Đánh trúng “hang ổ” sản xuất hàng giả

Hầu hết các thương hiệu có uy tín, thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa.

Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở sản xuất ngày 6/4.
Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở sản xuất ngày 6/4.

"Nhập nhèm" địa chỉ đăng ký kinh doanh

Theo Tổng cục QLTT, hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang xuất hiện ở mọi phân khúc của thị trường, từ hè phố các đô thị, len lỏi, trà trộn vào cả những trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên, Hà Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn và Quảng Trị. Hầu hết các thương hiệu có uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa.

Thời điểm tháng 3 và những ngày đầu tháng 4/2021, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương như TP Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình đã liên tiếp ra quân, triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng giả. Điều đáng nói, địa chỉ sản xuất kinh doanh trên Giấy phép kinh doanh ghi “một đằng” nhưng khi lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra lại có địa chỉ “một nẻo”.

Điển hình là ngày 2/4, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an Hà Nội bắt quả tang cơ sở sản xuất nước giặt, nước rửa chén bát, tinh dầu thơm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu D-nee của Thái Lan. Cơ sở này nằm tại địa chỉ số 17, tổ 10 Trinh Lương, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội. Chủ cơ sở sản xuất này là Nguyễn Đăng Đạt, sinh năm 1992.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ tại cơ sở sản xuất này hàng nghìn can nước giặt loại 3,5 lít mang nhiều thương hiệu khác nhau. Cùng với đó là hàng trăm thùng hàng đã thành phẩm và nhiều can nhựa, nhãn mác, thùng carton dùng để đóng thành phẩm. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thu giữ rất nhiều nguyên vật liệu, hóa chất phục vụ cho quá trình sản xuất.

Theo điều tra của lực lượng chức năng, Nguyễn Đăng Đạt hiện làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Đạt Anh có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Đan Phượng, Hà Nội, không phải địa chỉ tại Hà Đông.

Khai nhận với lực lượng chức năng, chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Đăng Đạt cho biết, xưởng sản xuất có 11 công nhân, chia thành 2 ca làm việc. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được 50 thùng, mỗi thùng 4 can. Giá bán buôn theo lời khai ban đầu của Đạt là khoảng 70.000 đồng/thùng/can.

Tiếp đó, ngày 6/4, tại thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, Đội QLTT số 17 đã bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm T&T Á Châu do ông Nguyễn Văn Thái, sinh năm 1994 làm chủ. Địa điểm này khác so với địa chỉ trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cơ sở đã đăng ký với Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội.

Đội QLTT số 17 ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 5 chiếc mô-tơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.

Để sản xuất ra các sản phẩm nước giặt, nước xả vải, chủ cơ sở đã sử dụng "dây chuyền" xô chậu với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc.

Đại diện lực lượng QLTT Hà Nội cho biết, cơ sở sản xuất không ghi đầy đủ thông tin theo nội dung về nhãn hàng hóa và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu một số thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Đại diện Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp, các đối tượng sản xuất hàng giả hoạt động ngày càng tinh vi. Để xác định được đúng địa chỉ sản xuất hàng hóa, lực lượng QLTT gặp không ít khó khăn. Để đánh trúng “hang ổ” sản xuất hàng giả, lực lượng QLTT phải bám sát địa bàn để nắm thông tin, từ đó định vị chính xác các cơ sở sản xuất, lên phương án đấu tranh hiệu quả.

Nhiều xô, chậu tại xưởng sản xuất do lực lượng chức năng phát hiện ngày 6/4.
Nhiều xô, chậu tại xưởng sản xuất do lực lượng chức năng phát hiện ngày 6/4.

Gắn trách nhiệm công chức quản lý địa bàn

Hiện Tổng cục QLTT đang chỉ đạo toàn lực lượng ra quân triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888, thay thế Kế họach 3972 đã được ban hành năm 2019).

Trao đổi với phóng viên, Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Minh Phương cho biết, thông qua các hoạt động kiểm tra, xử lý ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đấu tranh phòng chống hiệu quả tình trạng tái phạm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, gắn trách nhiệm quản lý địa bàn của công chức, đơn vị QLTT địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị QLTT; phát huy và làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác trong đấu tranh phòng chống vi phạm, tái phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết về giá, công dụng, tính năng, lợi ích của những sản phẩm…, nhất là đối với những sản phẩm, hàng hóa gây hại trực tiếp đến sức khoẻ’, bà Nguyễn Minh Phương khuyến cáo.

Quang Hùng

Bài viết cùng chuyên mục

Vì sao xuất khẩu cao su liên tục tăng "khủng"?

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cao su ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng và trị giá, với mức tăng trung bình quý 1/2021 hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.

Nóng kinh doanh hàng lậu trên thương mại điện tử, yêu cầu Quản lý thị trường tiếp tục quản chặt, xử nghiêm

Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Phát hiện, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) vừa phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Biên phòng và Công an tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh hàng hóa qua trang mạng xã hội.

Hải quan Móng Cái sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma túy

Công an TP Móng Cái vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức V. về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Hải quan Chi Ma thu giữ lô mỹ phẩm và đồng hồ không có chứng từ

Trong quá trình kiểm soát hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Cục Hải quan Lạng Sơn) vừa phát hiện và thu giữ lô hàng mỹ phẩm Estèe Lauder Advanced Night Repair và đồng hồ Rolex date Just không có chứng từ hợp pháp.

Phối hợp xử lý hành vi kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật “dởm”

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục Bảo vệ thực vật phối hợp phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không đảm bảo chất lượng.