Hoàn thiện hệ sinh thái logistics tại cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được đầu tư hiện đại, nhưng vì sao chậm “chia lửa” hàng hóa cho khu vực TPHCM và Đồng Nai?

Cảng Cái Mép – Thị Vải  	Ảnh: S.T
Cảng Cái Mép – Thị Vải Ảnh: S.T

Đủ sức đón những chuyến tàu “siêu khủng”

Đưa chúng tôi đi tham quan khu vực cầu cảng của Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT), ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành và sản xuất Cảng TCIT cho biết, trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động rất lớn tới hoạt động XNK trên toàn cầu, song sản lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt gần 2,1 triệu teu, tăng 7% so với năm 2019. Ông Tuấn so sánh: Cảng Cát Lái phải mất tới 11 năm mới đạt được sản lượng 1 triệu teu, nhưng TCIT đã đạt được dấu mốc này chỉ sau 6 năm và đạt 2 triệu teu sau 10 năm đi vào hoạt động. Hiện tại, hầu hết các hãng tàu, liên minh hãng tàu lớn như THE Alliance, Ocean Alliance, 2M Alliance, CMA… đều đã có công ty khai thác tại Cảng TCIT.

Chỉ trong vòng hơn chục năm qua, hàng loạt bến cảng nối tiếp nhau được đầu tư xây dựng dọc theo tuyến sông Cái Mép – Thị Vải. Đầu tháng 1/2021, cảng Gemalink chính thức đi vào hoạt động bằng việc đón chuyến tàu thương mại đầu tiên cập cảng với số lượng bốc dỡ hàng hóa lên tới 8.400 teu. Sự góp mặt của Gemalink đã giúp gia tăng thêm năng lực tiếp nhận hàng hóa bằng tàu lớn tại Cái Mép – Thị Vải.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, khu vực Cái Mép – Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với công suất 117,8 triệu tấn/năm. Trong đó có 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Hàng tuần, khu vực này đón tổng cộng 24 chuyến tàu container vào làm hàng. Tại đây hiện có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu hơn hẳn các nước khác khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore), đồng thời kích cỡ tàu vào Cái Mép gia tăng nhanh chóng giúp tối ưu chi phí vận tải trên đầu container và thời gian vận chuyển.

Năm 2020, tổng khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua các cảng thuộc khu vực Cái Mép – Thị Vải đạt 112,8 triệu tấn. Riêng hàng container thông qua cảng bằng tàu biển đạt 32,4 triệu tấn, tăng khoảng 11%. Đặc biệt, trong năm 2020, Cảng quốc tế Cái Mép CMIT là một trong khoảng 20 khu bến cảng trên thế giới có thể đón được “siêu tàu” container Margrethe Maersk - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, sức chở lên đến 18.300 TEU, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.

“Chia lửa” cùng Cát Lái

Dù tiếp nhận lượng hàng hóa rất lớn và có mức tăng trưởng cao qua các năm, song theo ông Phan Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Cái Mép, hiện có khoảng 82% lượng hàng hóa được đưa về TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa. Điều này khiến cho hệ thống giao thông và các cảng tại TPHCM, đặc biệt là cảng Cát Lái, chịu áp lực nặng nề.

Vậy đâu là lý do?

Theo phản ánh của các DN, sự chênh lệch về khoảng cách giữa hai tuyến đường đi tới cảng Cát Lái và Cái Mép là yếu tố chính khiến DN ưu tiên làm thủ tục XK, NK tại cảng Cát Lái thay vì tới Cái Mép. Đặc biệt, phần lớn container rỗng hiện tập trung ở khu vực Cát Lái, Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương, nên tuyến đường đi Cát Lái sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí.

Để giải quyết khó khăn này cho các DN, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang có kế hoạch mở các depot rỗng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Cùng với đó, cảng cũng vừa đưa vào áp dụng lệnh giao hàng điện tử (EDO) cho các hãng tàu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc dùng bản giấy trước đây.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Thượng Chí cho rằng, thời gian tới Sở GTVT Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ tổ chức các buổi làm việc và trao đổi thông tin với các hãng tàu, đơn vị kinh doanh kho, bãi, cảng và dịch vụ logistics khác để triển khai phương án phối hợp tối ưu giữa hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động khai thác kinh doanh, đảm bảo tính hiệu quả, khoa học, giảm thiểu tình trạng ách tắc, ùn ứ trong lưu thông hàng hóa.

Đặc biệt, vấn đề ùn tắc giao thông - vốn được xem là bài toán nan giải trong rất nhiều năm qua, được kỳ vọng cũng sẽ được giải tỏa khi hàng loạt dự án đã và đang gấp rút triển khai, hoàn thiện. Tiêu biểu như dự án đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải dài 18,1 km nối khu vực Cái Mép tới huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong quá trình tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Cùng với đó, nhiều dự án khác cũng đang được triển khai như Dự án đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, dự án đường Phước Hòa – Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân – Thị Vải, đường Long Sơn – Cái Mép…

Ở góc độ ngành Hải quan, Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu cũng đang rất nỗ lực trong việc thu hút hàng hóa làm thủ tục hải quan và thông quan tại Cái Mép - Thị Vải. Các hội nghị đối thoại thường xuyên được tổ chức với các DN XK, NK, DN kinh doanh kho, bãi, cảng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, dự kiến trong quý 2/2021, dự án địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung Cái Mép – Thị Vải do Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư sẽ được đưa vào sử dụng. Tổng cục Hải quan cũng đã đồng ý phê duyệt 2 máy soi container di động nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra, giúp rút ngắn thời gian thông quan cho doanh nghiệp, góp phần thu hút nguồn hàng cho khu vực Cái Mép – Thị Vải.

(Mời đón đọc Bài 3: Tìm lối phá điểm nghẽn của dòng chảy hàng hóa đăng tải trên số Tạp chí 37 phát hành ngày 7/5).

Nhóm phóng viên

Bài viết cùng chuyên mục

Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam giám sát khử trùng vải thiều xuất sang Nhật

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT;), năm nay, Nhật Bản đã ủy quyền việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam.

Chi hơn 1 tỷ USD nhập ô tô trong 4 tháng

Sụt giảm so với tháng 3 trước đó nhưng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 4 vẫn ở mức cao.

Xuất khẩu cá tra lội ngược dòng

Hết quý 1/2021, tổng giá trị XK cá tra đạt 344,2 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, kỳ vọng kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021.

Đạt gần 210 tỷ USD xuất khẩu, nhập khẩu cùng tăng mạnh

Hết tháng 4, cả xuất khẩu, nhập khẩu đều vượt mốc 100 tỷ USD, thông tin được Tổng cục Hải quan đưa ra chiều 12/5.

Xuất khẩu hơn 62 triệu khẩu trang y tế trong tháng 4

số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4, cả nước có 25 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng là 62,45 triệu chiếc, tăng nhẹ 2,9% so với số lượng xuất khẩu ghi nhận trong tháng 3/2021.

Xuất khẩu dệt may, da giày có nhiều tín hiệu khởi sắc

4 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu giày, dép các loại ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.