Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa của Hải quan Hàn Quốc, Trung Quốc

Hải quan Hàn Quốc và Trung Quốc có trình độ phát triển hàng đầu châu lục và thế giới với kinh nghiệm phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phong phú.

Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa của Hải quan Hàn Quốc, Trung Quốc
 

Kinh nghiệm của Hải quan Hàn Quốc

Là một trong những cơ quan hải quan hàng đầu trên thế giới, Hải quan Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng CNTT. Đến nay, Hải quan Hàn Quốc đã trải qua 4 lần thay đổi lớn (thế hệ) về CNTT, cụ thể như sau:

Thế hệ 1 (từ năm 1974), trong giai đoạn này, Hải quan Hàn Quốc bắt đầu thực hiện hệ thống CNTT đơn giản là thống kê hàng hóa do chính cơ quan Hải quan Hàn Quốc phát triển.

Thế hệ 2 (từ 1994), giai đoạn này, đánh dấu việc từ năm 1994, Hải quan Hàn Quốc đã phát triển hệ thống thông quan tự động gọi tắt là hệ thống UNI – PASS. Tiếp theo, năm 1996, Hải quan Hàn Quốc triển khai hệ thống thông quan xuất khẩu và nhập khẩu; hệ thống quản lý hàng hóa (1997); hệ thống thông quan phi giấy tờ (1998); hệ thống giám sát (1999); xây dựng kho dữ liệu hải quan (2001); hệ thống quản lý tri thức (2001); hệ thống quản lý rủi ro (2003).

Thế hệ 3 (từ 2004), giai đoạn phát triển hệ thống thông quan tự động UNI – PAS dựa trên web thông qua việc chuyển từ hệ thống EDI sang định dạng web và phát triển cổng Internet (2004), hệ thống thu thuế (2005), hệ thống hoàn thuế (2005), Cơ chế một cửa quốc gia (2005) và hệ thống quản lý thực thi (2005).

Bên cạnh đó, hệ thống thông quan tự động UNI-PASS cũng đã được nâng cấp bởi các công nghệ mới như định vị sóng radio trong hệ thống quản lý hàng hóa (2007), triển khai hệ thống quản lý doanh nghiệp ưu tiên AEO (2008) và hệ thống quản lý rủi ro tích hợp (2008).

Thế hệ 4 (từ 2016 đến nay), từ năm 2016 đến nay, hệ thống UNI – PASS được tích hợp dựa trên công nghệ di động nhằm tạo ra một hệ thống quản lý hải quan thông minh. Hiện nay, Hải quan Hàn Quốc cũng đang phát triển hệ thống để quản lý thương mại điện tử cũng như ứng dụng các thành tựu mới nhất của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực hải quan như: nghiên cứu và áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong trao đổi C/O điện tử với Việt Nam, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát hàng hóa,...

Đến nay, Hải quan Hàn Quốc đã hình thành Cơ quan Hải quan điện tử với các quy trình được ứng dụng CNTT như: thu thuế, hoàn thuế; thông quan; quản lý hàng hóa; giám sát; điều tra chống buôn lậu; quản lý HS; pháp lý; quản lý hành khách. Đây là khối nghiệp vụ cốt lõi, bên trong cơ quan Hải quan. Để trao đổi thông tin với bên ngoài, Hải quan Hàn Quốc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Bên cạnh đó, Hải quan Hàn Quốc đã xây dựng các hệ thống hỗ trợ xử lý nghiệp vụ, cụ thể như: hệ thống quản lý rủi ro tích hợp, cơ sở dữ liệu hải quan, hệ thống quản lý tri thức, hệ thống quản lý hoạt động của cơ quan Hải quan, hệ thống đánh giá tuân thủ pháp luật.

Hải quan Hàn Quốc còn xây dựng hệ thống quản lý và kiểm soát hải quan. Đó là hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (EWACS) cho phép giám sát phần mềm, phần cứng, ứng dụng, mạng internet và quản lý CNTT dựa trên kiến trúc tổng thể. Các hệ thống này của Hải quan Hàn Quốc đều dựa trên các chuẩn mực quốc tế.

Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa của Hải quan Hàn Quốc, Trung Quốc
 

Kinh nghiệm của Hải quan Trung Quốc

Tính đến nay, Hải quan Trung Quốc đã trải qua 5 lần cải cách lớn về CNTT.

Giai đoạn 1, khởi động quá trình tự động hóa nghiệp vụ (1978 – 1988). Bắt đầu từ năm 1978, Hải quan Trung Quốc khởi động việc ứng dụng CNTT với việc tự động hóa tính thuế đối với hàng lý xách tay và xây dựng phần mềm thu thuế và thống kê thương mại.

Giai đoạn 2, triển khai các ứng dụng hệ thống (1988 – 1998). Giai đoạn này, vào tháng 3/1988, Hải quan Trung Quốc đã phát triển hệ thống quản lý thông quan hải quan với mục đích là tự động hóa các quy trình thủ tục thông quan thay thế quy trình thủ công, trong đó có thủ tục liên quan đến giám sát phương tiện vận tải, giấy chứng nhận liên quan đến thương mại, quản lý giấy phép và miễn thuế.

Giai đoạn 3, xây dựng hệ thống CNTT kết nối toàn quốc (1998 – 1999). Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhằm đối phó với gian lận trong trao đổi ngoại tệ, đồng thời nâng cao một bước về hiện đại hóa quản lý hải quan, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành dự án gồm 2 bước là tái thiết kế hệ thống thông quan và tiếp sau đó là thiết lập hệ thống quản lý rủi ro.

Giai đoạn 4, xây dựng hệ thống kết nối với các bộ, ngành (1999 – 2001). Tháng 7/2000, Chính phủ Trung Quốc đã giao cho Hải quan Trung Quốc là cơ quan thường trực phối hợp với 11 bộ, ngành thành lập Ủy ban chỉ đạo về hệ thống thực thi pháp luật tại cảng biển. Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan nay là kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với các bộ, ngành thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Giai đoạn 5, triển khai Hải quan điện tử (2001 – nay). Từ năm 2003, Hải quan Trung Quốc đã nỗ lực phát triển hệ thống quản lý rủi ro, nâng cấp hệ thống thông quan và trao đổi thông tin với các bộ, ngành. Năm 2004, hệ thống quản lý hành chính điện tử đã được ra đời nhằm hỗ trợ cho việc quản lý điều hành “thông minh” của Cơ quan Hải quan Trung Quốc từ trung ương cho đến địa phương.

Hệ thống hải quan điện tử đã được nâng cấp và đã bao phủ tất cả các chức năng quản lý nhà nước về hải quan của Trung Quốc, đồng thời kết nối với tất cả các cục, chi cục hải quan trong phạm vi toàn quốc, các hoạt động như kiểm tra chứng từ, giám sát, thu thuế, giải phóng hàng và giám sát hàng hóa, quản lý manifest, quản lý tuân thủ của doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và quản lý xuất xứ hàng hóa đều được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Thái Bình

Bài viết cùng chuyên mục

Thụy Sỹ và Na Uy phê chuẩn thỏa thuận hải quan mới

Thụy Sỹ và Na Uy vừa ký kết các thỏa thuận sửa đổi liên quan đến các biện pháp an ninh kiểm soát hải quan. Thỏa thuận sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 15/3/2021.

Sáng kiến hải quan SMART 2020” của Hải quan Nhật Bản

Đón đầu sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng các hiệp định thương mại tự do, “Sáng kiến hải quan SMART 2020” của Hải quan Nhật Bản đề xuất nhằm tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ, tự động hóa quy trình kiểm tra hải quan.

ải quan Mỹ: 100% thông tin manifest được rà soát điện tử trước khi hàng đến

Cơ quan Bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ (Customs and Border Protection – viết tắt là CBP) thực hiện chức năng kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện, hành khách qua lại biên giới.

Chương trình đào tạo trực tuyến cho tân công chức Hải quan của Hải quan Nhật Bản

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế đối với việc di chuyển và tụ tập đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đào tạo trực tuyến vốn được coi là một công cụ hữu ích nay đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Hải quan Malaysia và Hệ thống uCustoms

Việc ứng dụng CNTT được Hải quan các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã đưa ra nhiều khuyến nghị và chuẩn mực về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan.

WCO đánh giá năng lực hoạt động dành cho Hải quan khu vực châu Mỹ và Caribe

Mới đây, WCO đã tổ chức thành công thảo trực tuyến tại khu vực Châu Mỹ và Caribe từ ngày 9 đến 12/2/2021, với sự hỗ trợ từ hệ thống tạo thuận lợi thương mại toàn cầu SECO – WCO.